Mục tiêu: Đánh giá tính an toàn, hiệu quả trong hướng dẫn can thiệp của kỹ thuật
đo FFR ở bệnh nhân có tổn thương phức tạp về chỉ định điều trị (định nghĩa là mọi
sang thương hẹp 40-70% trên chụp mạch vành cản quang).
Phương pháp nghiên cứu: mô tả, tiến cứu, theo dõi dọc. Các bệnh nhân có
tổn thương hẹp 40-70% trên chụp mạch cản quang, đồng ý tham gia nghiên cứu, được
tiến hành thu thập các thông tin dân số học, lâm sàng, cận lâm sàng bao gồm
FFR. Chỗ hẹp được cho là có ý nghĩa chức năng và bệnh
nhân được can thiệp khi tỉ số FFR ≤ 0,80. Tất cả các bệnh nhân được theo dõi
trung bình 12 tháng.
Kết quả: 140 bệnh nhân tham gia nghiên cứu với tổng số 197
tổn thương động mạch vành được đo FFR. Tỉ
lệ thành công thủ thuật là 100%, tử vong 0%, tới liều 150 µg adenosine có 1 trường
hợp ngưng xoang hơn 3 giây và 3 trường hợp block AV II thoáng qua không cần xử
trí đặc hiệu. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về nhồi máu cơ tim, tái thông mạch đích
và biến cố tim mạch nặng giữa 2 nhóm FFR ≤ 0,80 được
can thiệp so với nhóm FFR >0,80 được điều trị nội khoa bảo tồn (p=0,79) và không
có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỉ lệ sống còn giữa hai nhóm trên
(p=0,10).
Kết luận: Đo FFR là kỹ
thuật an toàn, hiệu quả nên có ở các phòng thông tim để giúp đánh giá chức năng
các tổn thương hẹp từ 40-70%.
Từ khóa: phân suất dự trữ lưu lượng mạch vành, FFR, can thiệp
mạch vành