Mở đầu: Chốc là bệnh nhiễm trùng da nông thường gặp ở trẻ
em, có tính lây nhiễm cao, rất dễ thành dịch bệnh. Trước đây, điều trị chốc chủ
yếu bôi kháng sinh tại chỗ, và chỉ dùng kháng sinh uống trong trường hợp bệnh
lan rộng. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu gần đây tỉ lệ S.aureus và S.pyogenes
kháng với các thuốc bôi ngày càng cao. Năm 2012, Bolaji, R. S., và cộng sự thống
kê vấn đề điều trị trên 3722 462 bệnh chốc tại Mỹ, thấy rằng điều trị bằng
kháng sinh bôi có tỉ lệ thất bại cao hơn điều trị bằng kháng sinh uống.
Mục tiêu: Xác định đặc điểm lâm sàng và tình trạng kháng
thuốc in vitro của các vi trùng gây bệnh chốc ở trẻ em đến khám tại bệnh viện
Da Liễu TP. Hồ Chí Minh từ 09/2013 – 04/2014.
Phương pháp nghiên cứu:
Mô tả hàng loạt ca.
Đối tượng nghiên cứu: Bệnh nhân trẻ em bị bệnh chốc đến khám tại bệnh
viện Da Liễu TP. Hồ Chí Minh được nuôi cấy và làm kháng sinh đồ.
Kết quả: 72 trường hợp trẻ em bị chốc có kết quả cấy vi
trùng dương tính (92,31%). Trong số này, chốc
không bóng nước là 48,6%, chốc bóng nước là 25% và chốc loét là 26,4%. Đa số vi
trùng phân lập được là S.aureus (90,3%). Tỉ lệ S.aureus kháng với
penicillin là 98,5% và erythromycin là 81,5%. Tỉ lệ chủng tụ cầu vàng kháng methicillin
(MRSA) được phát hiện trong nghiên cứu là 13,8%. Đặc biệt, tỉ lệ nhiễm các chủng
MRSA trên bệnh nhân chốc loét cao hơn 3 lần so với tỉ lệ nhiễm MRSA trên bệnh
nhân không phải chốc loét (p<0,05). Và cả 2 ca cấy ra S.pyogenes (chiếm
2,8%) vẫn còn nhạy với penicillin.
Kết luận: Chốc không bóng nước là thể bệnh thường gặp nhất
trên lâm sàng. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là S.aureus, gần như kháng toàn bộ
với penicillin, erythromycin, và vẫn còn nhạy cao với oxacillin, cefuroxime.
Từ khóa: chốc, kháng kháng sinh, S.aureus, S.pyogenes