Mở đầu: Mày đay là một bệnh lý thường gặp, chiếm 20% dân số.
Xét nghiệm IgE huyết thanh đặc hiệu và xét nghiệm lẩy da là các xét nghiệm quan
trọng trong bệnh lý dị ứng, giúp loại trừ nghi ngờ các dị ứng nguyên hô hấp và
dị ứng từ thực phẩm ở bệnh nhân mày đay.
Mục tiêu: Xác định kết quả dương tính của xét nghiệm dị ứng
đặc hiệu và mối tương quan với yếu tố lâm sàng trên bệnh nhân mày đay.
Đối tượng và phương pháp: Mô tả hàng loạt ca trên bệnh
nhân mày đay tại Bệnh viện Đại học Y Dược TpHCM có xét nghiệm IgE huyết thanh đặc
hiệu với 20 dị ứng nguyên (10 hô hấp và 10 thực phẩm) bằng máy RIDA qLine®
Allergy (R-Biopharm AG, Darmstadt, Đức) và xét nghiệm lẩy da với ba dị ứng
nguyên tôm, cua, gà.
Kết quả: Gồm 67 bệnh nhân mày đay, 55,2% bệnh nhân có ít
nhất một kết quả IgE huyết thanh dương tính. Nhóm dị ứng nguyên hô hấp dương
tính 52,2%. Trong đó, mạt Blomia Tropicalis chiếm 43,2%, mạt Dermatophagoides
farinae 35,8%, mạt D.pterony 34,3%. Chỉ có 6% bệnh nhân mày đay dương tính với
dị ứng nguyên thực phẩm gồm bạch tuột, mực, tôm, cua, gà và cá mòi. Xét nghiệm
lẩy da chỉ có 1 trường hơp dương tính với tôm. Qua phân tích hồi quy đa biến,
ghi nhận: thời gian tồn tại thương tổn mày đay càng lâu thì khả năng có ít nhất
một kết quả dương tính trong xét nghiệm IgE huyết thanh đặc hiệu cao gấp 2,6 lần
(OR = 2,6, CI 95% 1,02 – 6,63, p=0,04). Nữ giới có nguy cơ dị ứng với mạt cao
hơn 4,67 lần so với nam giới (OR 4,67, CI 95% 1,07 – 20,23, p = 0,04). Nhóm có
mức độ ngứa nặng thì có nguy cơ dị ứng với mạt cao hơn nhóm ngứa nhẹ (OR 2,24,
CI 95% 1,07 – 4,65, p = 0,03).
Kết luận: Tỉ lệ kháng thể IgE đặc hiệu dương tính với mạt là
cao nhất.Tỉ lệ dương tính với dị ứng nguyên thực phẩm thấp.
Từ khóa: mày đay, xét nghiệm kháng thể IgE đặc hiệu, xét nghiệm
lẩy da