Đặt vấn đề: Sỏi san hô thận là 1 dạng phức tạp cả về hình dạng
lẫn cơ chế sinh bệnh. Bệnh cảnh đa dạng, sinh bệnh học phức tạp, có tỉ lệ tái
phát cao, gây ra rất nhiều phiền toái cho bệnh nhân và nếu không có kế hoạch điều
trị dự phòng một cách triệt để sẽ dẫn đến mất dần chức năng của thận cùng bên,
lâu dần sẽ dẫn đến suy thận. Tuy nhiên, tại Việt Nam nói chung, hay tại thành
phố Hồ Chí Minh nói riêng, các số liệu về đặc điểm bệnh và bản chất hoá học sỏi
san hô còn hạn chế, cho đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này.
Mục tiêu: Tìm hiểu đặc điểm bệnh nhân và tính chất hóa học sỏi
trên bệnh nhân sỏi san hô thận tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đối tượng và phương pháp
nghiên cứu: Thiết kế nghiên cứu mô tả hàng loạt trường hợp. Nghiên cứu được thực
hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bình Dân và bệnh viện Nhân Dân Gia Định từ
năm 12/2018 đến 06/2019 và có 56 bệnh nhân thỏa các tiêu chuẩn chẩn đoán sỏi
san hô thận toàn phần và bán phần. Sỏi san hô thận sau phẫu thuật được đưa đi
phân chất với kĩ thuật quang phổ hồng ngoại.
Kết quả: 89,3% bệnh nhân ≥40 tuổi, có 14 trường hợp sỏi san
hô thận toàn phần và 42 trường hợp sỏi san hô thận bán phần. Sỏi hỗn hợp chiếm
78,6%, trong đó gặp nhiều nhất là sỏi calci phosphat - calci carbonat, chiếm tỉ
lệ 25%. Sỏi chứa thành phần struvit chỉ chiếm 3,6%. Sỏi thuần có thành phần hóa
học gặp nhiều nhất là sỏi acid uric và sỏi calci oxalat, cùng chiếm 8,9%. Sỏi
san hô có thành phần chuyển hóa chiếm 58,9%.
Kết luận: Sỏi san hô thận dạng chuyển hóa gặp nhiều hơn so với
nhóm sỏi nhiễm khuẩn. Nghiên cứu của chúng tôi nêu lên tầm quan trọng của phân
chất sỏi và việc đánh giá các rối loạn chuyển hóa của bệnh nhân.
Từ khóa: sỏi san hô thận, tính chất hóa học sỏi, phân chất
sỏi, quang phổ hồng ngoại